1. Sự bùng nổ của Thực Tế Ảo
Thực tế ảo (VR) là cụm từ mà bạn có thể nghe thấy rất nhiều trong năm 2014. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm dạng này đều mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm hoặc phân phối hạn chế mà thôi. Kính thực tế ảo VR là một sản phẩm mang lại trải nghiệm thực tế ảo tuyệt vời, bạn cứ như là đang được bước vào một thế giới khác hoàn toàn và cảm giác rất thích thú. Hiện nay, dòng sản phẩm này đã bắt đầu được bán ra ngoài thị trường với một số sự lựa chọn khác nhau.
Trong năm 2015, những thiết bị này sẽ bắt đầu khởi động cuộc chạy đua ra thị trường. Oculus nhiều khả năng sẽ ra mắt phiên bản thương mại cho chiếc kính của mình vào năm sau với giá hợp lý. Samsung thì được cho là sẽ bán chiếc kính Gear VR của mình ở nhiều nơi hơn, trong khi Sony và Microsoft đều đang chuẩn bị tung ra chiếc kính VR của mình vào khoảng giữa năm 2015. Chúng ta hãy chờ xem liệu thực tế ảo có thật sự là một cơn sốt mới hay không nhé.
2. Chuẩn Wi-Fi mới 802.11ad
Chuẩn mạng này còn được gọi là WiGig. Nó hứa hẹn mang lại tốc độ lên đến vài Gigabit trên băng tần 60GHz, ngoài ra nó cũng hỗ trợ thêm băng tần 2,4GHz và 5GHz truyền thống. Số lượng ăng-ten mà một thiết bị 802.11ad có thể sử dụng lên tới 10 cái, cao hơn con số 8 của 802.11ac và 4 của 802.11n. Tốc độ truyền tải tối đa của chuẩn Wi-Fi mới vào khoảng 7Gbps, tương đương với khả năng phát sóng của một router 802.11ac với 8 ăng-ten, trong khi con chip 802.11ad nói trên lại rất nhỏ gọn. Mới đây Qualcomm đã mua lại Wilocity để tiếp tục tích hợp chuẩn mạng mới vào các SoC di động và trước mắt sẽ có chip Snapdragon 810 hỗ trợ 801.11ad. Như vậy đồng nghĩa với việc các smartphone, tablet hàng đầu của năm 2015 đều hỗ trợ sẵn chuẩn mạng này. Chỉ cần những nhà sản xuất phụ kiện kết nối hay sản xuất router làm ra những thiết bị Wi-Fi ad nữa là xong.
Vấn đề của WiGig đó là băng tần 60GHz có thể mang lại tốc độ cao nhưng khả năng truyền đi xa lại kém, ngoài ra việc truyền sóng xuyên qua các bức tường, chướng ngại vật cũng là một bài toán cần giải quyết. Chính vì thế, hiện tại WiGig chỉ phù hợp để truyền nội dung từ thiết bị di động sang màn hình ngoài (thông qua một đầu thu Miracast gắn vào TV hoặc màn hình) ở khoảng cách gần. Một tình huống có thể ứng dụng được 802.11ad đó là khi bạn đang trong phòng và chiếc TV cũng như smartphone của bạn ở gần nhau, lúc này bạn có thể thoải mái trình diễn những tấm ảnh hay đoạn phim mình đã chụp cho mọi người xem.
3. Những chiếc smartwatch tốt hơn
Năm 2014 là năm smartwatch nở rộ với sự xuất hiện của hệ điều hành Android Wear, bước đi chính thức đầu tiên của Google trong lĩnh vực đồng hồ thông minh. Theo sau đó hàng loạt công ty đã nhảy vào cùng tham gia sản xuất smartwatch chạy Android Wear, bao gồm Motorola, LG, Samsung và sau này có thêm Sony lẫn Asus. Trong khi đó, mẫu smartwatch giá rẻ Pebble tiếp tục đạt doanh số ấn tượng nhờ giá bàn và tính năng tốt. Đến gần cuối năm, Apple lại tung ra Apple Watch khiến thị trường “nóng” hơn bao giờ hết.
Nhưng vấn đề đó là các smartwatch hiện nay còn khá nhiều nhược điểm. Một số mẫu có pin quá kém, thậm chí mỗi ngày người dùng phải sạc một lần nên tính tiện dụng không cao. Một số mẫu pin tốt như Pebble thì lại có thiết kế không bắt mắt, trong không giống một cái đồng hồ đeo tay thực thụ. Vấn đề kết nối, tương thích đa hệ điều hành cũng là điểm cần nói đến.
Vậy trong năm 2015 chúng ta có thể kỳ vọng những gì? Về mặt pin, nhờ sự xuất hiện của các giải pháp chip mới kết hợp với tối ưu phần mềm, hi vọng rằng những chiếc smartwatch sẽ có pin dài hơn. Tính năng của chúng cũng sẽ được cải tiến để phục vụ người dùng tốt hơn. Đừng quên rằng khoảng tháng 2, tháng 3 chúng ta còn đón nhận sự xuất hiện chính thức của Apple Watch, các hãng làm đồng hồ Android Wear cũng sẽ ra mắt những mẫu máy mới để thay thế cho các bản 2014 của mình.
4. Window 10
Phiên bản hệ điều hành này đánh dấu một bước đi quan trọng của Microsoft bởi mọi loại thiết bị, từ điện thoại, máy tính bảng, máy tính truyền thống cho đến Xbox giờ đây sẽ sử dụng chung Windows 10, không còn nhiều cái tên riêng lẻ, cũng không còn những tính năng quá khác biệt nhau. Microsoft hứa hẹn điều đó sẽ làm tăng trải nghiệm người dùng, giúp họ có thể sử dụng các thiết bị một cách giống nhau mặc dù kích cỡ màn hình khác nhau.
Hiện tại Windows 10 dành cho máy tính đã có bản thử nghiệm Technical Preview. Tới ngày 21/1 hãng sẽ tổ chức một sự kiện để nói về những tính năng mới dành cho người tiêu dùng trong Windows 10, sau đó sẽ ra mắt bản Consumer Preview. Đến cuối năm 2015, Windows 10 sẽ chính thức được phân phối đến mọi đối tượng khách hàng.
5. Sạc nhanh xuất hiện phổ biến hơn
Công nghệ sạc nhanh hiện đã xuất hiện phổ biến hơn. Oppo Find 7 và Samsung Galaxy Note 4 hiện là hai sản phẩm tích hợp công nghệ này, Motorola Nexus 6 cũng thế. HTC mới đây cũng ra mắt cục sạc có cường độ dòng điện lớn hơn tương thích chuẩn Qualcomm QuickCharge 2.0 để xài với những mẫu smartphone của hãng.
Chính vì vậy, không có gì quá ngạc nhiên khi sạc nhanh có mặt trên nhiều thiết bị cao cấp trong năm sau. Hi vọng tính năng tương tự cũng sẽ được mang lên các điện thoại Windows Phone, iOS và BlackBerry một cách rộng rãi hơn.
6. Hệ thống định vị Galileo
Chắc hẳn các bạn đã quá quen thuộc với hệ thống định vị GPS của Mỹ, nhưng bạn có biết rằng Châu Âu cũng đang phát triển một hệ thống của riêng mình hay không? Hệ thống đó mang tên Galileo và theo kế hoạch thì nó sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015. Tất nhiên là ở thời gian đầu Galileo sẽ chạy ở mức giới hạn, sau đó dần dần mới được khai thác nhiều hơn. Hệ thống này hứa hẹn mang lại tốc độ kết nối nhanh hơn GPS, tiết kiệm pin hơn và khả năng truyền tín hiệu khẩn cấp (distress signal) tốt hơn. EU cũng đã lên kế hoạch bắt tay với Mỹ và Nga để Galileo sẽ cùng hoạt động với GPS cũng như GLONASS nhằm phục vụ cho lợi ích chung của toàn thế giới.
Dự án 5 tỉ Euro này khi hoạt động đầy đủ vào năm 2020 sẽ có đặc tả kĩ thuật như sau:
Tổng cộng có 30 vệ tinh bay trên quỹ đạo, trong đó 6 cái để dự phòng
Cao độ quỹ đạo: 23,222 km, bay theo 3 mặt phẳng
Vòng đời mỗi vệ tinh: > 12 năm
Trọng lượng vệ tinh: 657kg
Kích thước vệ tinh: 2.7 m × 1.2 m × 1.1 m
Sải cánh của các tấm pin mặt trời trên vệ tinh: 8.7 m
7. Giá TV 4K ngày càng hấp dẫn hơn
TV 4K hiện nay có giá đắt và vẫn còn nằm ngoài tầm với của nhiều người chứ chưa phổ thông như TV Full-HD. Một chiếc TV 4K hiện nay từ các hãng lớn như Sony, LG, Samsung thường có giá khoảng 1200-1300$ trở lên, cá biệt có mẫu cả trăm triệu đồng.
Còn trong năm sau, khi mà sản lượng tấm nền 4K kích thước lớn tăng lên, chi phí sản xuất giảm xuống và nội dung 4K dần dần phổ biến hơn, chúng ta có thể hy vọng rằng giá bán của loại mặt hàng này sẽ dần giảm xuống ở mức hấp dẫn. Có thể vào khoảng 800-900$ chẳng hạn? Các bạn nghĩ sao?
8. Điện thoại lắp ghép – Project Ara
Ara là dự án do Google đứng đầu nhằm đưa ra những chiếc điện thoại có khả năng lắp ghép dễ dàng hầu hết các bộ phận chính, từ màn hình, pin, loa cho đến vi xử lý và camera. Chiếc điện thoại Ara đầu tiên sẽ được bán ra vào đầu năm 2015, và đây sẽ là một công nghệ cực kỳ thú vị rất đang mong đợi.
Thử tưởng tượng bạn mua chiếc điện vài năm rồi, giờ bạn muốn nâng cấp chip cho nhanh hơn thì chỉ cần mua module CPU rồi về gắn vào máy một cách cực kỳ đơn giản. Tương tự, bạn muốn có màn hình to hơn, độ phân giải cao hơn thì chỉ việc mua linh kiện này về lắp vào khung sườn sẵn có, còn nhanh hơn cả việc ráp máy tính nữa.
9. Máy tính bảng lớn hơn
Surface Pro là một chiếc máy tính bảng lớn đáng chú ý trong năm 2014 bởi nó có màn hình 12″, chạy Windows bản đầy đủ và lại có thêm bàn phím rời. Sang năm sau, Apple được cho là sẽ ra mắt Ipad Pro màn hình 12,2″ để cạnh tranh tốt hơn với Surface, đặc biệt là ở mảng doanh nghiệp. Samsung thì đã có Galaxy Tab/Note PRO 12″ và chúng ta có thể kỳ vọng hãng sẽ làm mới dòng thiết bị này trong năm 2015. Bên cạnh đó, Sony cũng được đồn đoán là sẽ ra mắt chiếc tablet 12,9″ chạy Android vào giữa năm sau. Có vẻ như cuộc chiếc của các ông lớn trong thị trường tablet giờ sẽ dịch chuyển sang phân khúc máy to – lớn – mạnh chứ không còn là giá rẻ và dành cho người tiêu dùng phổ thông như trong 2 năm gần đây.
Còn ý của các bạn thì sao? Bạn mong đợi gì? Bạn muốn có những sản phẩm công nghệ như thế nào? Hãy chia sẻ cho mọi người biết ở ngay trong topic này nhé!
Những khó khăn cần vượt qua của công nghệ thực tế ảo
0 comments:
Đăng nhận xét